Vì sao Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ mặc đồ đen khi hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô?

Vì sao Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ mặc đồ đen khi hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô?
Hôm Thứ Tư 24.05.2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khả kính đã nghênh đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và đoàn tùy tùng của ông đến thăm Vatican. Tại đây, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania và ái nữ Ivanka của ông Trump đều mặc những bộ váy đen dài tay và đội khăn trùm đầu cũng màu đen.

 
Giống như các vị giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Phanxicô không hề đưa ra những quy tắc bắt buộc về trang phục dành cho phụ nữ khi họ đến hội kiến riêng với ngài tại Vatican, nhưng cả hai người phụ nữ này vẫn tuân giữ quy tắc bất thành văn này. 
 
Theo quy tắc truyền thống ấy thì phụ nữ nên mặc chiếc váy dài có tay và đội khăn trùm đầu màu đen, chỉ có một ít phụ nữ được hưởng ngoại lệ. Những phụ nữ này có “đặc quyền màu trắng” (“privilège du blanc”), nghĩa là họ được phép mặc trang phục màu trắng khi đến, nếu họ muốn. 
 
Đặc quyền này chỉ dành cho một số nữ hoàng Công giáo hoặc vợ của các vị vua Công giáo. Nhưng không phải tất cả nữ nhân vật hoàng gia Công giáo nào cũng đều tự động được hưởng đặc quyền này, bạn sẽ thấy điều ấy trong những bức ảnh dưới đây. Trong đó, những đệ nhất phu nhân thời hiện đại đã nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc truyền thống này. 
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói chuyện với Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của nước Bỉ trong một cuộc hội kiến tại Vatican vào năm 2015. Là vợ của một vị vua Công giáo, cả Hoàng hậu Mathilde và mẹ chồng, tức bà Hoàng thái hậu Paola đều có "đặc quyền màu trắng":
 
 
Hoàng hậu Letizia của Tây Ban Nha cũng tận dụng "đặc quyền màu trắng" khi bà và phu quân là Vua Felipe đến hội kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican vào năm 2014. Trước khi bà trở thành hoàng hậu, bà cũng phải mặc đồ màu đen:

 
Hoàng thái hậu Sofia của Tây Ban Nha và Hoàng thái hậu Paola của Bỉ vẫn dùng "đặc quyền màu trắng" trong lễ tuyên thánh cho Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Gioan XXIII hồi năm 2014:

 
Về mặt phẩm trật lịch sử, vợ của Thân vương Monaco không có "đặc quyền màu trắng" - nhưng sau khi bà Vương phi Charlene mặc chiếc váy trắng trong chuyến thăm Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hồi năm 2013 khiến cho công chúng khá ngạc nhiên, Vatican đã đưa ra tuyên bố rằng “theo đúng quy định lễ tân của Vatican dành cho các nhân vật hoàng tộc Công giáo thì vị vương phi cũng được phép mặc màu trắng“:

 
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô chụp ảnh chung với Đại công tước Henri của Luxembourg và vợ là Nữ đại công tước Maria Teresa cùng các con tại Vatican hồi năm 2016. Tại đất nước Công giáo Luxembourg, vị Đại công tước là quốc trưởng, dĩ nhiên vợ ông được hưởng "đặc quyền màu trắng":

 
Liechtenstein từ lâu đã được xem là một vương triều Công giáo, nhưng các thành viên nữ trong hoàng gia này không được trao "đặc quyền màu trắng":

 
Là một thành viên của vương triều Hồi giáo, Hoàng hậu Rania của Jordan phải mặc áo màu đen khi gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican hồi năm 2013:

 
Là thành viên của hoàng gia Tin Lành nên hoàng hậu Thụy Điển cũng mặc áo màu đen. Ở hình này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chụp ảnh chung với Hoàng hậu Silvia, con gái bà là Công chúa Madeleine và con rể Christopher O’Neill tại Vatican vào năm 2015:

 
Mặc dù Hoàng hậu Maxima của Hà Lan vẫn giữ đạo Công giáo sau khi kết hôn, nhưng hoàng gia Hà Lan mang định chế Tin Lành. Bà đã mặc váy màu đen đến dự lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2013:

 
Theo nguyên tắc này, các Đệ nhất Phu nhân của các quốc gia cộng hòa thế tục không có "đặc quyền màu trắng" nên hầu hết trong số họ đều tuân thủ mặc đồ màu đen khi cùng chồng đến hội kiến Đức Giáo Hoàng. 

Bà Obama mặc đồ đen khi cùng Tổng thống Obama hội kiến Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: 

 

 
Khi hội kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bà Angela Merkel - Thủ tướng Đức, theo bình đẳng nguyên thủ quốc gia nên bà không cần phải đội khăn trùm đầu màu đen, dù bà vẫn mặc bộ suit màu đen, nhưng các nữ thành viên còn lại trong đoàn đều theo nguyên tắc này:



Bà Juliana Awada - phu nhân Tổng thống Argentina ​Mauricio Macri cũng tuân thủ nguyên tắc này khi hội kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô hồi năm 2016: 



Thế Vinh 
(UBMVGD, 28.05.2017)