Tại sao người Công giáo được phép ăn thịt heo và hầu hết các loại thực phẩm khác?
Cả người Do Thái và người Hồi giáo đều bị cấm ăn một số loại thực phẩm mà họ cho là “ô uế”, đặc biệt là thịt heo. Những hạn chế này có từ truyền thống cổ xưa của người Do Thái, với những quy tắc được đề cập trong Cựu Ước.
Tuy nhiên, đối với người Công giáo nói riêng và hầu hết các Kitô hữu nói chung thì có thể ăn bất cứ loại món ăn gì, không có danh sách thực phẩm nào gọi là “ô uế” để phải tránh xa (ngoại trừ quy tắc kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh).
Tại sao vậy?
Sách Công vụ Tông đồ có kể về việc bãi bỏ chế độ cấm ăn một số loại thực phẩm vốn dĩ bị coi là “ô uế”. Khi đó, Thánh Phêrô được Chúa cho thị kiến để biết rằng tất cả các loại thực phẩm đều được Chúa tuyên bố là thanh sạch.
“Ông Phêrô lên sân thượng cầu nguyện; lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu. Ông thấy đói và muốn ăn. Đang khi người ta dọn bữa thì ông xuất thần. Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất. Trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông: "Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!" Ông Phêrô thưa: "Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch." Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế." Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời. (Công vụ Tông đồ 10: 9-16)
Đó là một thánh lệnh xuất phát từ Thiên Chúa và được truyền đạt cho Thánh Phêrô, người được coi là vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội Công giáo. Kể từ đó, người Công giáo đã tuân thủ mệnh lệnh này, và không còn phải lo lắng về những thực phẩm nào bị cho là ô uế nữa.
Tuy nhiên vào Mùa Chay, chúng ta có quy luật kiêng thịt. Bản chất, thịt không bị coi là thực phẩm ô uế, nhưng chúng ta kiêng ăn thịt là vì mục đích rèn luyện cho sự trưởng thành về tâm linh. Thịt không phải là một thực phẩm xấu, cho nên người Công giáo không bị cấm ăn, chỉ kiêng nó vào những ngày nhất định trong năm nếu họ muốn.
Kitô hữu gốc Do Thái thời kỳ Giáo hội sơ khai cũng từng rất lo ngại về việc cấm ăn thực phẩm ô uế, nhưng sau thị kiến đó của Thánh Phêrô, lệnh cấm ấy đã được bãi bỏ.
Việc thay đổi cách nhìn nhận về thực phẩm ô uế còn là sự rộng mở phổ quát cho bất kỳ người nào muốn trở thành Kitô hữu. Quả vậy, những người có thành ý muốn theo Chúa Kitô và gia nhập Hội Thánh cũng sẽ không còn băn khoăn, e ngại phải tránh xa bất kỳ loại thực phẩm nào nữa. (Uyên Nhi, UBMVGĐ 15.10.2019, theo Aleteia)