NGUYÊN NHÂN NGƯỜI TRẺ RỜI XA THIÊN CHÚA

NGUYÊN NHÂN NGƯỜI TRẺ RỜI XA THIÊN CHÚA

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 43: NGUYÊN NHÂN NGƯỜI TRẺ RỜI XA THIÊN CHÚA

Thiên Di CND – CSA

Hỏi: Tại sao giới trẻ hiện nay lại dần xa Thiên Chúa? Đúng là câu hỏi này quá lớn, nhưng con ước mong biết được vài lý do. Để từ đó hi vọng người trẻ chúng con ý thức để trở về với Thiên Chúa?

Trả lời:

Bạn thân mến, 

Cám ơn bạn đã gợi ý cho chúng tôi về câu hỏi này. Như bạn thấy, đây đứng là một câu hỏi lớn, vì vậy cần có những cuộc nghiên cứu sâu xa để tìm ra nguyên nhân. Đồng thời ta cũng cần có những giải pháp giúp cho người trẻ vượt thắng trước thách đố về niềm tin. Tuy nhiên, trong giới hạn cho phép chúng ta có thể nhận diện một vài nguyên nhân bằng trực quan hay kinh nghiệm mục vụ. Để từ đó mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm của mình, làm sao giúp bản thân mình cũng như bạn trẻ khác sống vững lòng đạo trước những rào cản đức tin hôm nay. 

Trong tập 2 Giải Đáp Thắc Mắc, chúng ta đã biết được thực trạng người trẻ qua câu hỏi: Thiên Chúa có vị trí trong trái tim và mối quan tâm của người trẻ hiện nay như thế nào. Câu trả lời đã cho chúng ta thấy: bên cạnh những bạn trẻ có đức tin vững mạnh, sống gắn bó với Giáo Hội qua các sinh hoạt, hoạt động tổ chức của giáo xứ, thì không ít những bạn trẻ đang hững hờ với niềm tin của mình. Họ sống đức tin một cách mờ nhạt hay chỉ qua loa chiếu lệ cho xong bổn phận. Hôm nay, tôi và bạn cùng ngồi lại tìm ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng người trẻ đang xa rời với niềm tin Công giáo. Chúng ta cùng bắt đầu với Gia đình.

Gia đình: 

Công đồng Vaticanô II (1962–1965) nhìn nhận rằng “gia đình là nền tảng của xã hội” (MV II, 52) hay bạn còn nghe “gia đình là Hội Thánh tại gia” nơi khởi đầu nuôi dưỡng đức tin, trong đó ông bà, cha mẹ là những tấm gương cho thế hệ con cháu noi theo. Bên cạnh đó, nơi gia đình mỗi thành viên được đón nhận sự yêu thương nâng đỡ từ ông bà cha mẹ…, họ được tin tưởng và được thừa nhận phẩm giá của chính mình… Từ gia đình, chúng ta cũng sẽ cảm nhận sự yêu thương của Thiên Chúa qua Giáo hội như thế nào. 

Tuy nhiên theo thời gian, gia đình truyền thống (gia đình ba thế hệ) đã không còn nhiều. Thay vào đó là những gia đình hạt nhân chỉ có cha mẹ và con cái. Cùng với sự thay đổi này những thói quen đọc kinh chung, cầu nguyện sáng tối, đọc lời nguyện tắt đã không còn nhiều. Hình ảnh người ông, người bà sáng sáng thức dậy đi lễ không tồn tại trong tâm trí nhiều người trẻ. 

Bên cạnh đó, một số phụ huynh xem việc đạo nghĩa là thứ yếu, họ coi trọng việc học văn hóa hơn là việc nuôi dưỡng đức tin. Những giờ giáo lý nếu trùng với việc học thêm thì họ sẵn sàng cho con bỏ giáo lý để học thêm. Thậm chí có gia đình tạm hoãn cho con đi lễ, tạm nghỉ học giáo lý một năm để tập trung vào năm tốt nghiệp chuyển cấp. Tiếc là họ quên luôn việc sống và nuôi dưỡng đức tin vào những năm sau đó. Không ít bạn trẻ quay trở lại lớp giáo lý cấp tốc để xin lãnh các bí tích khi đã đến ngày lập gia đình. 

Cũng dễ hình dung, khi những gì không được coi trọng và nhìn nhận giá trị thì chúng sẽ trở thành tầm thường. Nó sẽ bị cho ra “bên ngoài cuộc sống của tôi”. Đức tin cũng không ngoại lệ và Thiên Chúa trở thành một ai đó xa lạ trong tâm thức của một số người trẻ Công giáo. 

Phải nhìn nhận rằng, cơn lốc kinh tế đã đẩy nhiều gia đình lao vào làm ăn, buôn bán, việc giữ đạo, sống đức tin, hay nhắc nhở con cái giữ lễ nghĩa gia phong cũng trở nên thật khó. Bởi cha mẹ mấy khi nhìn thấy mặt con. Thật đau lòng khi có bạn trẻ tâm sự: gia đình con không khác gì một quán trọ sáng đi – tối về. Con đi ngủ cha mẹ mới về. Gia đình tìm một bữa cơm chung thật khó. Cuộc sống tẻ nhạt trôi qua như những người vô hình, “con có mọi sự nhưng không có hạnh phúc”. Đó là còn chưa kể đến những cuộc cãi vã “bất phân thắng bại” trong gia đình làm hình ảnh “Giáo hội tại gia” bị méo mó trong tâm thức người trẻ. Họ không cảm nhận được sự yêu thương, nâng đỡ từ gia đình. Họ chỉ cảm thấy mình có giá trị khi sống ảo. Họ được thăng hoa trong những lối sống vắng bóng Thiên Chúa.  

Giáo Hội:

Một mặt nào đó chúng ta cũng phải nhìn nhận là sức hút của Giáo hội qua các Giáo xứ chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo người trẻ. Nơi một số xứ đạo, việc học hỏi giáo lý để sống đức tin còn chưa được chú trọng và quan tâm. Từ không gian lớp học đến người đồng hành hướng dẫn còn quá sơ sài hay dạng bù đắp chỗ trống. Đội ngũ giáo lý viên chưa được đào tạo, thiếu khả năng sư phạm. Vì thế mà những buổi học trở nên nặng nề cứng nhắc, người học không cảm thấy có Chúa trong lớp học, “học giáo lý cũng khắt khe như ngoài xã hội”. Những bài giảng giáo lý thiếu thuyết phục và không lôi cuốn. Lớp trẻ theo học giáo lý vì miễn cưỡng, có được tấm bằng, lãnh đủ các bí tích là xong bổn phận. Sau đó, người trẻ cho Chúa qua một bên để họ sống theo cách của mình. “Chúa không gần với cuộc sống của con”. 

Ngoài ra tương quan Mục tử và đàn chiên không giống “Người mục tử nhân lành”(Ga 10,11– 18). Ở Giáo xứ nọ, giáo dân chỉ nhìn thấy cha xứ trên tòa giảng, hiếm khi ngài gặp gỡ trò chuyện cùng giáo dân ngoài Thánh lễ, nói chi đến việc thăm viếng cuộc sống giáo dân trong các họ đạo. Khoảng cách cha sở và giáo dân quá xa nên tương quan Thiên Chúa và lòng người cũng trở nên vô tận. 

Họ không cảm thấy được sự nâng đỡ, yêu thương của Giáo hội giữa những sóng gió cuộc đời. Thêm nữa, nhiều Kitô hữu vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Họ chỉ tham dự được Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Thế nhưng, suốt bài giảng gần một tiếng đồng hồ của cha chủ tế là ngài la ông này mắng bà kia. Trong khi Tin Mừng Chúa không được loan báo. Người trẻ thực sự “dị ứng” trước thánh lễ thiếu bác ái của vị chủ chăn. Việc đi tham dự Thánh lễ hiệp thông trong Giáo hội trở thành một việc họ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hay so sánh chọn lựa giữa những công việc khác nhau. Thật buồn, khi nơi xứ đạo chưa truyền tải được niềm vui của Tin Mừng.

Xã Hội:

Những năm gần đây, các Game Show trên truyền hình thực tế khá thu hút người trẻ. Nơi đây họ chia sẻ những quan điểm, lối sống khá hiện đại. Một số người trẻ đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá một con người khi họ sở hữu nhà cửa, xe cộ, điện thoại, trang sức. Họ cho rằng tất cả vật chất mới đem lại giá trị cho một người trong xã hội. Họ nhìn nhận giá trị của vật chất như một tiêu chuẩn để đánh giá lẫn nhau. 

Mặc nhiên chủ nghĩa tiêu thụ đã xâm nhập và điều khiển nhiều người trẻ. Họ lao vào để có được vật chất như gặp “dốc không phanh”. Đồng thời, họ coi những chuẩn mực về gia đình, xã hội, niềm tin trước đây trở thành lạc hậu, thay vào đó là những giá trị “lệch chuẩn” được họ coi là thời thượng hợp tình hợp lý với thời đại. Tỉ như lối sống hưởng thụ, tình yêu đồng giới, coi trọng vẻ bề ngoài hơn là phẩm chất bên trong của một con người, công danh sự nghiệp quan trọng hơn là đạo đức văn hóa sống, v.v…

Trào lưu tục hóa chi phối cách nhìn và lối sống của nhiều người trẻ làm họ xa rời với những giá trị nhân văn, niềm tin tôn giáo, truyền thống gia đình. Trước những trào lưu của xã hội, ít nhiều người trẻ Công giáo bị tác động trong lối sống của mình. Họ để Thiên Chúa bên ngoài những quyết định cuộc đời vì cho rằng: Thiên Chúa quá cao vời so với thực tế sống của họ. 

Người trẻ:

Cuối cùng, chúng ta cùng nhìn lại mình những người trẻ trong thế giới hôm nay – thế hệ thời kỹ thuật số. Thật dễ để nhìn thấy một người trẻ đang “cặm cụi” bên chiếc Smartphone và biểu lộ cảm xúc một mình. Còn nữa, bạn bè thời công nghệ rủ nhau uống cà phê, ngồi quán cóc chuyện trò 5–3 câu. Sau đó là mỗi người một thế giới riêng trên màn hình Smartphone. Chúng ta thích kể chuyện đời mình trên mạng xã hội, biểu lộ hỉ – nộ – ái – ố xem bàn dân thiên hạ “tung hứng, ném đá” ra sao. Những khoảnh khắc bạn bè hàn huyên câu chuyện gia đình – học hành, quyển sách này, câu chuyện kia thật hiếm hoi. Kỹ thuật số thực sự đã quản lý thời gian và cảm xúc của người trẻ. Vô tình những thói quen, nếp nghĩ, cách sống của mình cũng được kỹ thuật số định hình. 

Chúng ta dành thời gian cho mạng xã hội, tìm kiếm vật chất quá nhiều lấy đâu thời gian dành cho Chúa. Một số người trẻ chỉ quan tâm xây dựng vỏ bọc bên ngoài, còn ngôi nhà thiêng liêng bị bỏ quên. Thể xác thì lực lưỡng – tâm hồn lại tong teo. Ngoài ra, chủ nghĩa tiêu thụ đang đánh lừa cảm xúc thị hiếu của nhiều người, chúng kích thích ham muốn và tạo nhu cầu ảo cho người tiêu dùng. Ví như quảng cáo dầu gội đầu X – MEN “X – men đàn ông đích thực”. Trong khi tôi chỉ cần gội sạch gầu là đạt yêu cầu, nhưng xài X Men mới đích thực là đàn ông. 

Những giá trị ảo nghe phê tai, trông đẹp mắt đã thuyết phục chúng ta phải có nó, phải mua chúng… Chúng ta chạy đua với thời gian để sở hữu những thứ xã hội vẫn miệt mài đi tìm. Ngoài ra, phải kể đến một thế giới thông tin đa chiều đang chiếm lĩnh xã hội. Thực hư xen lẫn với những giả dối làm nhiều người trẻ chới với trong niềm tin yếu kém của mình. Vì thế họ dễ rơi vào trạng thái a dua: cái gì cũng tin, cái gì cũng nghi vấn, tin hay không tùy thuộc vào “kẻ mạnh thế yếu” quan tâm số lượng hơn chất lượng. Đức tin vào Thiên Chúa họ cũng thận trọng, nghi ngờ hay “thế nào cũng được”.

Bạn thân mến, 24 giờ/ngày đã đủ cho bạn chưa? Có người nói có, nhiều người nói chưa. Ngân quỹ thời gian Thiên Chúa dành cho chúng ta là như nhau. Chính mỗi người sẽ dùng ngân quỹ này để xây dựng con người mình mạnh thể xác khỏe linh hồn. Cuộc sống thường nhật xô bồ những âm thanh, những lời mời hấp dẫn. Vì thế, mỗi chúng ta cần tạo cho mình một khoảng lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng đọng trong sâu thẳm cõi lòng để nhận ra nhu cầu thực của ta là gì? Đó là sự sống đích thực từ Thiên Chúa: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,1 – 6) 

Mỗi ngày, bạn hãy dành thời gian bên Chúa để cảm nhận cuộc sống này là một món quà tuyệt đẹp Chúa dành cho chúng ta. Hãy trân quý những gì tầm thường nhất ngang qua đời bạn:

- Một bông hoa dại ven đường, 

- Một nghĩa cử đẹp bạn gặp trên phố, 

- Hay như một chén cơm nóng đong đầy tình thương gia đình, 

- Và biết chạnh lòng với người đang đau khổ cần lắm một bờ vai.

- V.v. 

Bạn đừng lướt qua cuộc sống một cách vội vã và vô vị. Hãy sống chậm lại để thấy Chúa, thấy nhau trên đường đời. Hãy biến cuộc sống này là quà tặng, để Chúa Giêsu chạm vào trái tim bạn trong những buồn vui của cuộc sống. Ngài luôn có đó để chờ đợi bạn đến thổ lộ tâm tình. Thầy Giêsu của chúng ta không cầu kỳ hay khách sáo. Ngài cũng chẳng khắt khe hay nóng giận. Ngài nói: “Hãy đến và hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiên nhường trong lòng” (Mt 11,29). 

Bạn còn băn khoăn điều gì nữa hãy đến cùng Giêsu. Ở bên Ngài và chọn Ngài làm bạn đường của mình. Hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại thật tròn đầy và sống lịch sử đời mình như lịch sử ơn cứu độ bạn nhé.

Chào bạn!

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nguyen-nhan-nguoi-tre-roi-xa-thien-chua-44678