Nghiên cứu về hành vi đạo đức của SV: 41% SV không thích sống cao thượng

Nghiên cứu về hành vi đạo đức của SV: 41% SV không thích sống cao thượng

 

NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH VI ĐẠO ĐỨC CỦA SINH VIÊN: 
41% SV KHÔNG THÍCH SỐNG CAO THƯỢNG
 
 
 
Nhiều sinh viên vẫn còn thờ ơ trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Ảnh: HTD

Có 36% sinh viên đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt. 39% cho rằng tự do không phải là điều ai cũng cần.
Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cùng với những cộng sự của mình vừa hoàn tất báo cáo đề tài nghiên cứu “Sự lựa chọn các giá trị đạo đức-nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường ĐH tại TP.HCM trong giai đoạn hiện nay”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và đã được hội đồng khoa học phản biện đề tài đồng thuận đánh giá cao. Đề tài nghiên cứu đã cho thấy diện mạo sinh viên hiện nay còn nhiều dao động, chưa rõ ràng trong sự lựa chọn lối sống và các giá trị đạo đức nhân văn.

Làm theo lương tâm sẽ bị thua thiệt...

Một tỷ lệ khá cao, 31% sinh viên chấp nhận việc hành động mà không quan tâm xem mình có ảnh hưởng đến người khác hay không. Ngoài ra, có 32% sinh viên chấp nhận hành vi vô ơn, không xem đó là chuyện phi đạo đức. Hơn nữa, còn khá nhiều thái độ tiêu cực tồn tại trong sinh viên. Cụ thể: 39% sinh viên chấp nhận rằng tự do là một điều không phải ai cũng cần và mơ ước; 43% sinh viên chấp nhận rằng hòa bình thì không chắc rằng lúc đó con người sẽ vô cùng hạnh phúc.

Một tỷ lệ cũng rất cao là có đến 41% sinh viên đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt và 28% có tư tưởng trả thù, báo oán. Bên cạnh đó, có 18% sinh viên chấp nhận đưa lợi ích cá nhân lên trên hết và không bao giờ quan tâm đến ai nếu không liên quan đến mình. Trong phạm vi quan hệ gia đình, có đến 60% sinh viên đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ mà không thừa nhận trách nhiệm của chính bản thân những người con. 
 


Việc chen lấn lên xe buýt như thế này đối với một bộ phận sinh viên 
như là chuyện bình thường, không hổ thẹn. Ảnh: HTD 

 
Nhiều khi chấp nhận hành vi tiêu cực...

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy sinh viên tự đánh giá về hành vi của mình trong việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn. Trong đó, hàng loạt hành vi như: xếp hàng nghiêm túc nơi công cộng, nhường chỗ trên xe buýt cho người già và trẻ em, tự nhận khuyết điểm và nói lời xin lỗi, kiềm chế tránh xúc phạm người khác, bảo vệ và trồng cây xanh, giúp người khác dù biết thiệt hại... thì lại không có hành vi nào được sinh viên xếp vào mức rất thường xuyên thực hiện.

Nhiều hành vi tiêu cực cho thấy sinh viên đôi khi hoặc nhiều khi thực hiện như: nói xấu người khác, tiêu xài lãng phí, trễ hẹn, gian lận và mưu mẹo trong thi cử, chưng diện lòe loẹt, nhậu nhẹt, nói tục chửi thề, xem thường người khác, cãi vã với cha mẹ, vô lễ với thầy cô và người lớn tuổi, đánh nhau, phá hoại môi trường, sai giờ, xả rác bừa bãi, trộm cắp, mê tín dị đoan, rủ bạn bè xem phim sex, sống thử... 

Trong các tình huống ứng xử cụ thể, hành vi ứng xử của sinh viên thể hiện như sau:

- 45% sinh viên chủ động tham gia đóng góp theo sức mìn h và vận động mọi người cùng tham gia khi đồng bào bị thiên tai lũ lụt, tai nạn.

- 42% sinh viên biểu hiện một chút e thẹn và nói lời cảm ơn khi nhận được một lời khen.

- 41% sinh viên vẫn cố gắng nghiêm túc thi cử khi gặp một giám thị coi thi có vẻ dễ tính.

- 31% sinh viên có hành vi trực tiếp đưa khăn cho thầy cô khi thấy thầy cô đổ mồ hôi nhễ nhại giữa giảng đường nóng bức.

- 29% sinh viên có hành vi nhặt rác để vào thùng rác khi thấy một người chạy xe phía trước quăng bọc rác xuống đường.

- 17% sinh viên xin lỗi và kiên quyết khắc phục nếu đi trễ một buổi học.
TRƯƠNG HIỆU
(Báo Pháp luật 21-06-2009)


Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: Cần quan tâm giáo dục giá trị đạo đức

Ông gặp phải khó khăn gì khi nghiên cứu về đề tài này?

+ Việc nghiên cứu về giá trị đạo đức-nhân văn thực sự khó khăn vì phải kết hợp nhiều nguồn dữ liệu đa chiều để sinh viên phải trả lời thật, bộc lộ thật, chứ không thể chung chung hay đại khái. Sinh viên nghiên cứu được điều tra theo nguyên tắc khuyết danh để đảm bảo sự trung thực và chính xác một cách cao nhất. Việc nghiên cứu trên một lượng mẫu lớn với 874 sinh viên ở các trường đại học tại TP.HCM là một thách thức với chúng tôi ở nhiều khâu như chọn mẫu phân tầng, mã hóa số liệu và cả việc xử lý số liệu.

Nhận xét chung của ông về sự lựa chọn các giá trị của sinh viên?

+ Qua kết quả nghiên cứu có thể thấy sự lựa chọn các giá trị đạo đức của sinh viên chưa rõ ràng và còn dao động khá rõ. Một số giá trị đạo đức chưa được sinh viên lựa chọn để định hướng cho lối sống của mình. Trong việc lựa chọn các giá trị cụ thể, sinh viên chưa quan tâm đúng mức đến các giá trị hướng đến cộng đồng và các giá trị hướng đến cuộc sống hữu nghị, hợp tác với người khác.

Về mặt hành vi, biểu hiện của sự lựa chọn các giá trị nhân văn không đồng đều. Trong đó, biểu hiện của những giá trị có liên quan đến cộng đồng là kém nhất và những giá trị này ít chi phối đến sinh viên nhất.

Theo ông, yếu tố nào ảnh hưởng đến sự lựa chọn các giá trị của sinh viên?

+ Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn các giá trị nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên, trong đó yếu tố gia đình có ảnh hưởng rõ rệt và bản thân cá nhân sinh viên là quyết định. Vì vậy, trong công tác giáo dục giá trị cho sinh viên phải chú trọng đến yếu tố gia đình nhằm tạo ra sự phối hợp đồng bộ. Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn hết là tác động vào nhận thức, tình cảm và ý chí để sinh viên tự tu dưỡng, tự giáo dục.

Những chương trình giáo dục nếp sống văn minh đô thị ở TP.HCM còn chưa đề cập nhiều đến việc giáo dục giá trị nhân văn, trong khi đây lại là yếu tố cực kỳ quan trọng. Việc giáo dục giá trị nhân văn nên thực hiện đồng bộ qua nhiều lứa tuổi, nhiều hình thức mới mang lại hiệu quả cao.

Xin cảm ơn ông.