Hôn lễ dân sự

Hôn lễ dân sự

Rome,  21/5/2013  ( Zenit.org )                     Lm Edward McNamara, LC.

Cha Edward McNamara, dòng Đạo binh Chúa Kitô (Legionary of Christ), Giáo sư  phụng vụ và Khoa trưởng Thần học Đại học Nữ vương các Thánh Tông Đồ (Regina Apostolorum) đã trả lời phỏng vấn sau đây.

Hỏi: Hôn thê của tôi muốn được kết hôn trong Giáo hội Công giáo. Cô ấy là người Ai-len còn tôi là người Mỹ. Chúng tôi dự định kết hôn ở Ai-len, nhưng vì vấn đề nhập cư, chúng tôi đã nghĩ đến giải pháp tổ chức đám cưới dân sự ở Mỹ rồi sau đó lễ cưới công giáo tại Ai-len. Chúng tôi lo ngại rằng đám cưới dân sự sẽ ảnh hưởng đến việc công nhận kết hôn của Công giáo. Một bí tích hôn phối đầy đủ của Công giáo rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi không muốn phá hỏng điều ấy. Liệu Giáo hội Công giáo có cho phép chúng tôi tổ chức đám cưới dân sự trước khi cử hành lễ cưới trong Giáo hội Công giáo hay không? – E.U., Arlington, Massachusetts.

Trả lời: Nguyên tắc đầu tiên phải thấy được là Giáo hội Công giáo không công nhận giá trị của hôn nhân dân sự giữa hai tín hữu Công giáo. Mọi tín hữu Công giáo phải tuân thủ các thủ tục đã định trong giáo luật, tuy Đức giám mục có quyền miễn chuẩn một số yêu cầu trong những trường hợp đặc biệt.

Câu hỏi việc hôn nhân dân sự  liên quan như thế nào đến cử hành bí tích tùy thuộc luật lệ của từng quốc gia. Nói chung, có hai khả năng chính dựa trên những luật này:

Hoàn cảnh thứ nhất là ở một số nơi, đám cưới trong Giáo hội luôn có hiệu lực dân sự. Đây là trường hợp ở Hoa kỳ, Ai-len, Ý và một số quốc gia khác. Tại mỗi quốc gia, có một quy trình riêng phải thực hiện trước chính quyền, nhưng sau hết chỉ có một lễ kết hôn.

Trong một số trường hợp, nghi lễ kết hôn trong Giáo hội chỉ có hiệu quả bí tích. Chẳng hạn một đôi đã kết hôn dân sự, một thời gian sau, muốn được hợp thức hóa tình trạng của họ trước mặt Chúa. Nhờ đó họ được tham gia đầy đủ vào đời sống Giáo hội, đặc biệt họ có thể được rước lễ trở lại.

Trong trường hợp trên đây, những nơi mà cử hành tôn giáo có hiệu lực dân sự, kết hôn dân sự không thực sự là một lựa chọn khả thi cho một người tín hữu Công giáo thành tín. Nhưng đồng thời, kết hôn dân sự như vậy không phải là một trở ngại cho vợ chồng lãnh nhận bí tích hôn phối.

Một hoàn cảnh khác xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó không có sự công nhận dân sự nơi những nghi thức tôn giáo. Trong những trường hợp đó thường có hai “đám cưới” -- một dân sự và một tôn giáo. Đây là trường hợp của nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ La-tinh.

Trong hầu hết mọi trường hợp, nghi lễ dân sự đi trước nghi lễ tôn giáo. Cách quãng thời gian có thể vài tiếng đồng hồ,  vài ngày, hay thậm chí lâu hơn. Do Giáo hội không công nhận (tính bí tích) nghi lễ dân sự, người Công giáo thành tín không nên bắt đầu đời sống hôn nhân trước khi cử hành nghi thức bí tích.

Cho dẫu không công nhận hôn nhân dân sự (như là bí tích), tại một số quốc gia, Giáo quyền không cho phép thực hiện nghi thức hôn phối tôn giáo trước khi hoàn tất kết hôn dân sự. Trước hết, đây là biện pháp mục vụ nhằm bảo đảm tính hợp pháp của hai người phối ngẫu, và bảo đảm sự bảo dưỡng cho con cái nếu có, trong trường hợp không may có tan vỡ hoặc ly thân.

Nếu không thực hiện những biện pháp này, có thể một người nam hoặc người nữ trong lương tâm thấy mình bị ràng buộc đối với hôn phối, nhưng phần đền bù của luật pháp liên quan đến việc dưỡng nuôi con cái, tài sản, và những trách nhiệm chia sẻ khác phát xuất từ hôn nhân của họ, thì lại hạn chế.

Đối với trường hợp cụ thể này theo như độc giả trong thư nêu, tôi nghĩ, nếu người đàn ông ấy làm đầy đủ yêu cầu pháp lý cần thiết về mặt giấy tờ, thì không có lý do gì một lễ cưới tôn giáo được chính quyền dân sự công nhận như ở Ai-len, lại không được công nhận hợp pháp tại Hoa kỳ.

Nếu có khó khăn gì đặc biệt, xin tham khảo ý kiến của Đức Giám mục địa phương.

Vũ Kích