Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolô II: nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình
Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolô II: nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình
“Tương lai của Giáo hội tùy thuộc vào Gia đình”. Câu nói mang tính định hướng mục vụ này của Đức cố Gioan Phaolô II, đấng vừa được phong chân phước gần đây nói lên quan tâm đặc biệt của ngài, và của cả Giáo hội nói chung với triều đại của ngài đối với Gia đình trong một thời đại mà các giá trị nền tảng đạo đức bị đảo ngược, xuống cấp trầm trọng có nguồn gốc sâu xa từ những rạn nứt, và khủng hoảng trầm trọng của đời sống hôn nhân gia đình, hiện đang bị đe dọa, ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn minh sự chết.
Sự ra đời của Học viện Gioan Phaolô II chuyên nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình, được thành lập vào năm 1981 do sáng kiến của ngài là một minh chứng hiển nhiên và cụ thể nhất của mối quan tâm sâu sắc này, nhằm đương đầu với những thách đố của thời đại liên quan trực tiếp đến đời sống hôn nhân gia đình, nhằm mang lại một đóng góp cụ thể và thiết thực cho Giáo hội công giáo, nhằm đào sâu chân lý mạc khải về Hôn nhân và Gia đình bằng việc nghiên cứu mang tính khoa học, nhằm tạo điều kiện cho người giáo dân, tu sĩ và linh mục nhận được một sự đào tạo có tính khoa học, vừa mang tính triết học và thần học vừa trong khoa học nhân văn để có thể thực hiện công việc mục vụ của họ một cách thích ứng và hiệu quả hơn.
“Kết hợp thần học thân xác với thần học tình yêu hầu tìm kiếm sự hiệp nhất về con đường của con người.” Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đã ngỏ lời với cộng đoàn hàn lâm của Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình vào dịp tiếp kiến diễn ra vào ngày 13 tháng 5. “Tôi vui mừng đón nhận quý vị hôm nay, vài ngày sau khi phong Chân phước cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, mà cách đây 30 năm như chúng ta đã nghe, muốn thành lập cùng lúc Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình và Học viện Giáo hoàng nghiên cứu về hôn nhân gia đình. Hai tổ chức này chứng tỏ ngài xác tín vững mạnh về tầm quan trọng quyết định của gia đình đối với Giáo hội và Xã hội. Tôi chào đón các vị đại diện cộng đoàn lớn của các bạn đến từ khắp các châu lục [...]”
“Tôi xin cảm ơn Đức Ông Viện trưởng Melina về những lời ngài ngỏ với tôi nhân danh mọi người. Đức tân Chân phúc Gioan Phaolo II, như quý vị nhớ, đúng cách đây ba mươi năm bị tấn công thảm hại tại Quảng trường Thánh Phêrô, đã đặc biệt trao phó cho tôi việc nghiên cứu, tìm kiếm và quảng bá Giáo lý về tình yêu con người chứa đựng một suy tư sâu xa về thân xác con người."
“Kết hợp thần học thân xác với thần học tình yêu để tìm kiếm sự hiệp nhất về con đường của nhân loại: đó là đề tài mà tôi muốn đưa ra cho quý vị như chân trời mở ra cho công việc của quý vị”.
Với tư cách là cơ cấu thuộc Giáo hoàng, Học viện được phẩm trật Giáo hội trực tiếp cai quản. Dù về mặt tổ chức Học viện nằm trong Đại học Giáo hoàng Laterano, Học viện vẫn độc lập và được quyền cấp học vị licenza về thần học (thạc sỹ dành cho những ai đã có trình độ cử nhân về thần học), dottorato (tiến sỹ) và master về khoa học Hôn nhân và Gia đình cùng chuyên ngành về đạo đức sinh học (thạc sỹ dành cho những ai có trình độ cử nhân về khoa học nhân văn).
Học viện xuất bản tạp chí khoa học quốc tế mang tên Anthropotes bao gồm những khảo luận nghiên cứu liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình.
Cho đến năm 2006 Viện trưởng của Học viện tương đương với Hiệu trưởng của Đại học Giáo hoàng Laterano. Sau đó Đức Benedicto XVI đã cấp cho Học viện toàn quyền tự trị của Đại học dù vẫn duy trì cơ sở trung ương ở trong Đại học.
Hiện nay ngoài Học viện trung ương tại Roma, còn có các chi nhánh tại các nước Hoa Kỳ, Benin, Brazil, Ấn độ, Mexico, Tây ban Nha và Úc.
Cả hai vị viện trưởng đầu tiên của Học viện Carlo Caffarra (1981-1995) và Angelo Scola (1995-2002), sau này đều trở thành hồng y. Viện trưởng kế tiếp là Đức Giám mụcSalvatore Fisichella (2002-2006) và hiện nay là Đức ông Livio Melina từ năm 2006.
Sinh viên được trang bị những kiến thức khoa học về triết học, thần học, luân lý, nhân học, tâm sinh lý học, đạo đức sinh học, huấn quyền, mục vụ lên quan đến hôn nhân và gia đình.
Ngoài những giờ học chính quy trên lớp hay tại giảng đường với các giáo sư tại Học viện, Học việc còn tổ chức những buổi học với các giáo sư được mời đến từ những nơi khác (visiting professors) và những cuộc hội thảo chuyên đề định kỳ hay bất thường với các bài thuyết trình chuyên môn do các giáo sư tên tuổi trong, ngoài Học viện, trong hay ngoài nước Ý, và nhiều sinh hoạt văn hóa, tôn giáo khác.
Sinh viên thuộc nhiều quốc quốc tịch khác nhau đến từ mọi châu lục, nhưng phần đông từ Châu phi và Châu Á, thuộc mọi bậc sống: linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Riêng ở Việt nam, tốt nghiệp tiến sỹ tại Học viện Hôn nhân và Gia đình cùng thời với Đức Ông Melina, về phía Việt nam có linh mục Agostino Nguyễn Văn Dụ, giám đốc Trung tâm mục vụ cho người Việt hải ngoại tại Bắc Ý. Sau đó có linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, hiện là thư ký của hội đồng giám mục Việt nam, phụ trách Mục vụ hôn nhân gia đình của Tổng giáo phận, tốt nghiệp vào năm 2006. Gần đây có một số linh mục Việt nam từ các giáo phận Nha Trang, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Xuân Lộc, Phú Cường, đã tốt nghiệp Thạc sỹ (licenza) hoặc đang theo học tại Học viện.
Riêng ở Việt nam, tốt nghiệp tiến sỹ tại Học viện Hôn nhân và Gia đình cùng thời với Đức Ông Melina, về phía Việt nam có linh mục Agostino Nguyễn Văn Dụ, giám đốc Trung tâm mục vụ cho người Việt hải ngoại tại Bắc Ý. Sau đó có linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, hiện là thư ký của hội đồng giám mục Việt nam, phụ trách Mục vụ hôn nhân gia đình của Tổng giáo phận, tốt nghiệp vào năm 2006. Gần đây có một số linh mục Việt nam từ các giáo phận Nha Trang, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Xuân Lộc, Phú Cường, đã tốt nghiệp Thạc sỹ (licenza) hoặc đang theo học tại Học viện.
Về phía giáo dân, có một cặp đầu tiên tại giáo xứ Tân Định, thuộc Tổng giáo phận Sài gòn cũng được gửi đi học tại Học viện nói trên, đã tốt nghiệp Thạc sỹ (Master) năm 2010, hiện đang cộng tác với ban Giáo lý hôn nhân, và ban Mục vụ Hôn nhân và Gia đình của Tổng giáo phận.
Ước mong ngày càng có nhiều người thiện chí dấn thân vào mục vụ hôn nhân và gia đình, phục vụ cho sự sống của các gia đình Kitô hữu và gia đình nhân loại đang gặp phải nhiều thách đố và thử thách và đe dọa, nhằm góp phần xây dựng và phục hồi nền văn minh tình thương trong thế giới hôm nay.
Gioakim Trương Đình Giai- Cựu sinh viên của Học viện